Các loại manơcanh bán tại phố Cửa Nam khá đa dạng: Từ người mẫu nữ chân dài, dáng chuẩn, khuôn mặt xinh đẹp, hàng mi cong vút tới manơcanh trẻ con với khuôn mặt tròn... Không chỉ bày trong cửa hàng, những mẫu manocanh này còn được đặt trên vỉa hè, gắn thêm tóc và lông mi giả, nhìn trông như người thật.
Tại phố này, giá mỗi manơcanh phổ biến dao động từ 500.000 đồng đến trên dưới 2 triệu đồng, tùy hình dáng, kích thước. Một số loại nhập ngoại có chất lượng tốt, giá đắt hơn, song nhu cầu trong nước chủ yếu dùng manocanh nhựa, giá trên dưới 1 triệu đồng, anh Quang, chủ một cửa hàng tại đây cho biết.
Manocanh trẻ em với khuôn mặt nhìn sống động như người thật có giá dao động 500.000- 700.000 đồng một con
Tùy "khẩu vị" khách hàng, có nhiều loại mẫu giả khác nhau và càng về cuối năm, hàng càng đắt khách, anh Quang cho biết. Nguyên nhân là dịp cuối năm, nhiều cửa hàng quần áo muốn làm mới để thu hút khách, nên họ thường đổi manơcanh. Ngay cả những người bán quần áo hàng chợ cũng có xu hướng sử dụng manơcanh để chào hàng, thay vì treo quần áo lên dây hay bày dưới đất như trước. "Rõ ràng khi có mẫu giả, bộ quần áo nhìn bắt mắt hơn hẳn so với khi để dưới sạp hay treo trên móc áo", chị Chinh, bán quần áo tại chợ Nghĩa Tân, đang chọn mua manơcanh trên phố Cửa Nam cho biết.
"Những người muốn làm nổi bật bộ quần áo thường có xu hướng chọn 'canh' bán thân, không đầu, không tay. Còn những người muốn làm toát lên toàn bộ dáng quần áo khi mặc thường chọn 'canh' đầy đủ các bộ phận và có thêm tóc giả", chị Thu, kinh doanh người mẫu giả tại phố này cho biết.
Loại manơcanh treo chỉ có một mảnh thân trước gồm ngực và eo, không có tay, có giá khá "mềm", chỉ 100.000-200.000 đồng một con. Khách hàng của những loại "canh" bình dân này thường là người bán quần áo ngoài chợ. Còn những người kinh doanh trong cửa hàng thường thích loại manocanh tượng có cả thân người, giá phổ biến vài trăm nghìn đồng đến trên 1 triệu đồng một con vì có đầy đủ các bộ phận mà nét mặt lại xinh. Một số loại nhập ngoại có giá lên tới trên 2 triệu đồng.
Khách hàng đến cửa hàng không chỉ mua manocanh đẹp mà còn mua cả các đồ phụ kiện như tóc giả, móc treo áo, treo khăn. Giá những loại móc áo này dao động khoảng 5.000-10.000 đồng mỗi chiếc. Tóc giả cho manocanh giá đắt hơn, khoảng 100.000 đồng đến 200.000 đồng, tùy loại.
Anh Thành, nhân viên một cửa hàng bán người mẫu cho hay, từ sáng anh phải luôn chân luôn tay đóng thùng và chở hàng đến tận nhà cho khách. Theo anh Thành, những ngày bình thường cửa hàng chỉ bán được khoảng 2-3 con thì dịp cuối năm, doanh số bán hàng có khi gấp 3-4 lần. Kèm theo đó, khách đến mua phụ kiện như móc áo, tóc giả... cũng tăng lên đáng kể.
Người mẫu nữ, với thân hình siêu chuẩn, khuôn mặt đẹp, song các bộ phận quá sinh động đôi khi lại gây phản cảm với người đi đường
Theo anh, có nhiều khi phải mất cả tháng để làm một con "canh" hoàn chỉnh. Nguyên nhân là gần như tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, từ việc tạo dáng, gọt đẽo các bộ phận đến phun sơn, trang trí mắt, miệng... Do vậy, phần lớn manocanh bày bán tại phố Cửa Nam đều được nhập từ các cơ sở sản xuất trong nước hoặc nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc.... Về đến đây, các chủ hàng chỉ việc sơn sửa lại, "trang điểm" thêm màu mắt, mi giả, môi son, màu da... để "canh" nhìn sống động hơn rồi bán.
Là khách hàng quen của một vài điểm bán Manocanh Việt Nam tại đây, chị Nguyễn Thị Hạnh, ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết trước kia, chị thường tận dụng mua manocanh cũ của những người đã nghỉ kinh doanh quần áo. "Nhưng đôi lúc mua phải những con bị hỏng, vỡ dở, nên chỉ cần sơ sẩy thì không dùng được. Rẻ hơn được vài trăm nghìn nhưng dùng một thời gian đã hỏng, thì thà mua đồ mới", khách hàng này cho biết. Do đó, cứ khoảng 1 năm, chị lại đến Cửa Nam để tìm mua các mẫu "canh" mới và thanh lý các loại cũ.
Dù vậy, theo một số người đi đường, manocanh, với các bộ phận nhạy cảm phơi bày cũng gây chướng mắt. Chị Thu Hương nhà ở phố Đình Ngang (Hà Nội) cho biết, không biết bao nhiêu lần chị phải đỏ mặt khi cùng bạn trai đi qua phố Cửa Nam. "Tất cả các bộ phận trên cơ thể người phụ nữ đều được phơi bày sinh động như thật. Vẫn biết là đồ giả, nhưng nhiều lần nhìn thấy nhân viên nam ôm manơcanh, tay chạm vào những chỗ nhạy cảm mà họ còn cố ý trêu đùa, cười cợt với nhau, nhìn rất khó chịu", chị Hương chia sẻ. "Họ bán manơcanh thì phải trưng ra, cũng chẳng có gì sai. Nhưng giá như với manơcanh nữ, có thêm tấm vải mỏng phủ lên, nhìn sẽ đỡ hơn", khách hàng này cho biết.
Trước phản ánh về sự "nhạy cảm" khi manơcanh không mặc đồ, chị Thu, chủ một cửa hàng tại phố này lý giải, vì kinh doanh "người giả" nên phải trưng ra khách hàng mới dễ lựa chọn hình dáng, kích thước. "Chứ mặc quần áo cho 'canh' thì khác gì tôi bán quần áo, đâu còn là bán người mẫu nữa", chị nói.
Trước đó, năm 2009, UBND TP HCM ban hành Quyết định số 39, trong đó quy định không được sử dụng Manocanh trưng bày để quảng cáo cho đồ lót tại nơi công cộng, mặt tiền sản xuất kinh doanh. Theo nội dung văn bản này, đây được coi là hành vi quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị. Nhưng tại Hà Nội, chưa có quy định nói trên. "Chúng tôi không dùng manơcanh để quảng cáo phản cảm, mà đang kinh doanh sản phẩm", chị Thu, bán "người giả" trên phố Cửa Nam khẳng định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét